Tỷ Giá: Cán Cân Tổng Thể (Balance of Payments - BoP)
Cán cân tổng thể tác động mạnh và trực tiếp quyết định cung và cầu ngoại tệ nên tác đông trực tiếp đến tỷ giá.
Nội dung chính:
Tại Sao Nhà Đầu Tư Phải Quan Tâm Đến Cán Cân Tổng Thể( Bop)?
Cán Cân Tổng Thể Là Gì?
Các Cấu Phần Chính Của Cán Cân Tổng Thể Gồm:
Vậy Các Loại Cán Cân Trên Tác Động Đến Tỷ Giá Như Thế Nào?
Kết Luận
Tại Sao Nhà Đầu Tư Phải Quan Tâm Đến Cán Cân Tổng Thể( Bop)?
Tôi chỉ đầu tư chứng khoán thôi mà? Chẳng phải tôi chỉ cần biết về cổ phiếu, ngành, hay Vĩ Mô thôi?
Khoản vài tuần gần đây thị trường chứng khoán đỏ lửa vì NHNN hút tín phiếu vì áp lực tỷ giá lên cao sắp đụng trần. NHNN có thể là bán USD, hoặc là sẽ phải tăng lãi suất…ngoài ra còn có một vài công cụ nữa để tác động đến tỷ giá.
Nhà đầu tư thường chỉ sẽ thấy được các biện pháp để tác động tỷ giá, nhưng ít biết sớm được tại sao tỷ giá tăng?
Ngoài, các chỉ số có thể theo dõi được như: Chỉ số DXY, Fed, Lạm Phát và Lãi Suất Mỹ đó là những chỉ số bên ngoài. Chúng ta cần đánh giá sức khỏe của một quốc gia bên trong thông qua cán cân tổng thể.
Đây là chuỗi bài viết về các yếu tố tác động đến tỷ giá. Khi tỷ giá tăng các bạn có thể biết được nhân tố nào và nó tác động trực tiếp hay gián tiếp đến tỷ giá.
Từ đó dự đoán được xu hướng tỷ giá và đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả. Đặc biệt là đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Và Cán cân thanh toán hay còn gọi là cán cân tổng thể (BOP) là nhân tố tác động trực tiếp và mạnh nhất. Ngoài ra, các nhân tố như: lãi suất, lạm phát, tâm lý thị trường, chính sách của FED … tôi sẽ cố gắng đề cập ở các bài viết sau.
Vậy,
Cán Cân Tổng Thể Là Gì?
Cán cân tổng thể (Balance of Payments - BoP) là một báo cáo thống kê toàn diện ghi lại tất cả các giao dịch kinh tế giữa một quốc gia với phần còn lại của thế giới trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.
Cán cân tổng thể giúp đánh giá khả năng thanh toán quốc tế của một quốc gia và xác định liệu quốc gia đó có thặng dư hay thâm hụt trong các giao dịch với nước ngoài.
=> Có thể hiểu đơn giản là: Thặng dư BoP làm tăng cung USD giúp VND tăng giá và ngược lại.
Do BOP quyết định đến cung và cầu ngoại tệ, nên có tác động mạnh và trực tiếp đến tỷ giá.
Các Cấu Phần Chính Của Cán Cân Tổng Thể Gồm:
1. Cán cân vãng lai (Current Account):
Cán cân thương mại (Trade Balance): Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.
Cán cân dịch vụ (Services Balance): Ghi nhận giao dịch về dịch vụ như du lịch, vận tải, bảo hiểm, và dịch vụ tài chính.
Thu nhập ròng từ tài sản (Income Balance): Bao gồm lợi tức từ đầu tư nước ngoài và chuyển giao lao động quốc tế.
Chuyển giao vãng lai (Current Transfers): Bao gồm viện trợ, kiều hối từ lao động và kiều bào.
2. Cán cân tài chính (Financial Account):
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Ghi nhận dòng vốn đầu tư từ các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài.
Đầu tư gián tiếp (Portfolio Investment): Bao gồm các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, và các công cụ tài chính khác.
Các khoản vay ròng và tín dụng (Other Investments): Các giao dịch liên quan đến nợ, tín dụng, và tiền gửi ngân hàng giữa các quốc gia.
3. Cán cân dự trữ (Reserve Assets):
Bao gồm dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương, vàng và các tài sản có tính thanh khoản cao khác để điều chỉnh bất kỳ mất cân bằng nào trong BoP.
4. Cán cân vốn (Capital Account):
Ghi nhận các giao dịch vốn như viện trợ, cho vay không hoàn trả, chuyển nhượng tài sản cố định giữa các quốc gia.
Vậy Các Loại Cán Cân Trên Tác Động Đến Tỷ Giá Như Thế Nào?
Có thật sự cần biết để đầu tư chứng khoán không?
Tất nhiên là có rồi, chia nhỏ các thành phần của cán cân tổng thể ra thì chúng ta càng dễ quan sát hơn.
Chỉ cần theo dõi một một vài cán cân chính chúng ta sẽ thấy rõ hơn những tác động đến tỷ giá => thị trường chứng khoán.
1. Cán cân vãng lai (Current Account)
Cán cân thương mại (Trade Balance): Nếu cán cân thương mại thặng dư (xuất khẩu > nhập khẩu), nhu cầu ngoại tệ giảm, làm tăng giá trị của nội tệ so với ngoại tệ. Ngược lại, nếu thâm hụt, nhu cầu ngoại tệ tăng, gây áp lực giảm giá nội tệ.
=> Việt Nam sẽ có những báo cáo về thặng dư hay thâm hụt hàng tháng, quý, từ đó sẽ cho chúng ta biết nguồn cung và cầu ngoại tệ như thế nào? Và đây là thành phần quan trọng chúng ta cần quan sát.
Cán cân dịch vụ (Services Balance): Thặng dư trong dịch vụ, chẳng hạn từ du lịch hoặc xuất khẩu dịch vụ, có tác dụng tương tự như cán cân thương mại, góp phần làm tăng cung ngoại tệ, tạo áp lực tăng giá nội tệ. Thâm hụt sẽ làm giảm giá nội tệ.
Thu nhập ròng từ tài sản và chuyển giao vãng lai (Income and Current Transfers): Dòng kiều hối và thu nhập từ đầu tư nước ngoài nếu tăng cao sẽ giúp tăng cung ngoại tệ, tăng giá nội tệ. Nếu các khoản chi ra lớn hơn thu vào, nội tệ sẽ chịu áp lực mất giá.
3. Cán cân tài chính (Financial Account)
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Dòng FDI mạnh vào một quốc gia làm tăng cung ngoại tệ, hỗ trợ tăng giá nội tệ. Nếu dòng vốn FDI rút ra, sẽ làm giảm cung ngoại tệ, khiến nội tệ chịu áp lực mất giá.
=> Các dòng vốn đăng ký và thực hiện đầu tư FDI vào ảnh hưởng lớn đến tỷ giá và chúng ta có thể quan sát được.
Đầu tư gián tiếp (Portfolio Investment): Dòng vốn đầu tư gián tiếp, đặc biệt là vào chứng khoán và trái phiếu, có tác động lớn đến tỷ giá vì tính linh hoạt của nó. Sự gia tăng đầu tư gián tiếp sẽ làm tăng cầu nội tệ, tạo áp lực tăng giá. Ngược lại, dòng vốn rút khỏi thị trường có thể tạo áp lực giảm giá nội tệ.
=> Chúng ta có thể quan sát bằng các động thái của khối ngoại ngay trên thị trường chứng khoán.
Các khoản vay ròng và tín dụng (Other Investments): Các khoản vay hoặc tín dụng quốc tế giúp tăng cung ngoại tệ tạm thời. Tuy nhiên, khi phải hoàn trả nợ gốc và lãi, đặc biệt là trong thời gian ngắn, có thể làm tăng cầu ngoại tệ và gây sức ép giảm giá nội tệ.
3. Cán cân dự trữ (Reserve Assets)
Dự trữ ngoại hối giúp ổn định tỷ giá. Khi có thặng dư cán cân tổng thể, dự trữ ngoại hối tăng, Ngân hàng Trung ương có thể bán ngoại tệ ra thị trường để giữ giá nội tệ. Ngược lại, khi thiếu hụt BoP, ngân hàng có thể mua ngoại tệ để duy trì mức dự trữ cần thiết, gây áp lực lên nội tệ.
=> Đây là số liệu sẽ được các nhà kinh tế và NHNN thống kê cập nhập liên tục.
4. Cán cân vốn (Capital Account)
Các giao dịch chuyển nhượng tài sản và vốn giữa các quốc gia ảnh hưởng đến cung tiền trong nước. Thặng dư trong cán cân vốn (ví dụ, dòng viện trợ và chuyển giao tài sản từ nước ngoài) giúp bổ sung dự trữ ngoại tệ, góp phần ổn định hoặc tăng giá nội tệ. Thâm hụt thì ngược lại, có thể gây áp lực mất giá lên nội tệ nếu dự trữ ngoại tệ giảm.
Kết Luận
Cán cân tổng thể giúp chính phủ và các nhà phân tích hiểu rõ hơn về sức khỏe tài chính quốc tế của một quốc gia, khả năng chi trả và mối quan hệ kinh tế với các nước khác.
Các thành phần của cán cân tổng thể, khi thay đổi, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tỷ giá của đồng Việt Nam.
Tùy vào tình hình thực tế thì các thành phần tác động đến tỷ giá khác nhau vì còn phụ thuộc vào một số yếu tố như: Cấu trúc nền kinh tế, chính sách kinh tế ( tài khóa, tiền tệ), tình hình thế giới…
Tuy nhiên, các thành phần sau đây thường được cho là tác động lớn nhất đến tỷ giá ở Việt Nam cần quan sát là:
Cán cân thương mại
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI
Đầu tư gián tiếp ( ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán)
Dự trữ ngoại hối
Ngoài ra, các yếu tố như: Chênh lệch lãi suất, Lạm phát, chính sách tiền tệ của Fed cũng sẽ tác động đến tỷ giá Việt Nam cũng cần quan tâm theo dõi thêm.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này của Chứng Khoán Nhanh "Bạn thấy thông tin này hữu ích? Hãy chia sẻ bài viết này đến bạn bè của bạn để cùng nhau học hỏi nhé!" Xin hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau.